Giới thiệu về tia UV, lợi ích và tác hại của tia UV
Giới thiệu về tia UV
Tia uv ( Ultraviolet) hay còn được gọi là tia cực tím hoặc tia tử ngoại, là một dạng bức xạ điện từ đến từ mặt trời hay các nguồn nhân tạo khác như giường tắm nắng, mỏ hàn,… Tia UV (bức xạ tia cực tím) là một dạng bức xạ điện từ đến từ mặt trời
Khi nói đến ảnh hưởng của tia UV đến sức khỏe con người và môi trường, tia UV được chia ra làm 3 loại:
Tia UVA (bước sóng từ 380 – 315 nm) còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen.
Tia UVB (bước sóng 315 – 280 nm) còn được gọi là sóng trung.
Tia UVC (bước sóng ngắn hơn 280 nm) còn gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng.
Lợi ích mà tua UV mang lại khá nhiều. Chẳng hạn, tia UV giúp cơ thể tổng hợp vitamin D; diệt virus và vi khuẩn (qua việc xuyên qua màng tế bào, phá hủy DNA, ngăn khả năng tái sinh và nhân lên của chúng), rất có ích khi ta phơi tã vải, đồ lót và khăn ngoài trời; kích thích mọi quá trình hoạt động chính của cơ thể (với mức độ UV vừa đủ),…
Lợi ích của tia UV
-
Tia UV giúp kích hoạt, hấp thụ vitamin D, điều trị một số bệnh liên quan đến da, định hướng tầm nhìn cho một số loài động vật,…
- Tia UV còn được ứng dụng trong một số phương pháp làm đẹp như: sơn móng tay, soi da, spa,..
-
Ngoài ra, vì tia UV có tính khử khuẩn rất mạnh, do đó, nó còn được ứng dụng trong việc khử khuẩn nước và không khí.
-
Bên cạnh đó, nó còn có công dụng thúc đẩy các quá trình hoạt động chính của cơ thể.
-
Tác dụng trong chiếu xạ trực tiếp: các đèn diệt khuẩn sẽ được treo lên ở một độ cao nhất định sao cho tia UV chiếu rọi trực tiếp ở nơi làm việc.
-
Trong việc chiếu xạ gián tiếp: tia UV được đặt hướng lên trần nhà, nhằm phá hủy các loại vi khuẩn ở phía trên. Do ảnh hưởng của các dòng đối lưu, lớp không khí bên trên đã được khử khuẩn sẽ bị thay thế bằng lớp không khí bên dưới chưa diệt khuẩn. Sau quá trình thực hiện, toàn bộ không khí sẽ được khử khuẩn.
Một số tác hại của tia UV ảnh hưởng xấu đến con người
Do biến đổi khí hậu, tầng khí quyển bảo vệ trái đất ở một số khu vực bị thủng nghiêm trọng, tạo điều kiện cho bức xạ tia cực tím có năng lượng mạnh tác động xuống mặt đất. Nếu không có biện pháp phòng tránh hiệu quả, tia cực tím có thể gây ra những hệ lụy đối với sức khỏe như sau:
- Tia cực tím gây ung thư da
Mỗi năm, số ca mắc ung thư da ở Mỹ được chẩn đoán nhiều hơn các ca mắc ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ung thư ruột kết. Theo thống kê, cứ 5 người Mỹ sẽ có một người mắc ung thư da trong một giai đoạn nào đó suốt cuộc đời của họ. Số người chết vì ung thư da đang nhiều lên sau mỗi giờ. Phơi nhiễm tia cực tím không an toàn là yếu tố hàng đầu dẫn đến ung thư da.
Dạng ung thư da không phải u ác tính ít gây tử vong hơn, tuy nhiên chúng có thể lan rộng ra khắp cơ thể, gây biến dạng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được điều trị.
- Gây cháy nắng
Cháy nắng là tình trạng vết bỏng xảy ra khi các tế bào da bị tổn thương, tình trạng này là do da hấp thụ năng lượng từ tia UV. Khi đó, máu sẽ chảy thêm vào vùng da bị tổn thương để chữa lành. Đó là lý do tại sao da của bạn chuyển sang màu đỏ khi bị cháy nắng.
Lưu ý bạn không nên chủ quan, tình trạng này có thể trở nên bỏng rát nghiêm trọng. Thậm chí, tác hại của tia UV còn gây ra những hậu quả về lâu dài cho làn da như tạo nếp nhăn và ung thư da, thông qua sự tác động trực tiếp tới DNA của da.
- Tia cực tím gây lão hóa da sớm
Tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng mặt trời cũng gây lão hóa da sớm. Theo thời gian, da có thể bị nhăn nheo, hình thành các vết nám, tàn nhang và đốm nâu. Lão hóa da sớm sẽ biểu hiện sau một thời gian phơi nhiễm âm thầm với tia UVA (loại tia cực tím có bước sóng dài, xuyên qua lớp vải, cửa kính và tác động lên da).
Lão hóa da bình thường là quy luật tự nhiên, tuy nhiên có đến 90% người bị lão hóa da sớm là do tác động của tia cực tím, ánh nắng mặt trời. Nếu có biện pháp bảo vệ da thích đáng trước tác hại của tia UV, hầu hết tình trạng lão hóa da sớm có thể tránh được.
Thử nghiệm UV – ảnh hưởng đến sự lão hóa của con người
- Tia cực tím gây đục thủy tinh thể và các tổn thương mắt
Đục thủy tinh thể là một dạng tổn thương mắt, trong đó, thủy tinh thể bị mất đi độ trong suốt. Nếu không được điều trị, đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến chứng mù lòa. Các nghiên cứu cho thấy, bức xạ tia cực tím làm tăng khả năng đục thủy tinh thể. Mặc dù có khả năng chữa khỏi bằng cách phẫu thuật mắt, nhưng đục thủy tinh thể làm giảm tầm nhìn của hàng triệu người Mỹ và người dân tốn hàng tỷ USD cho chăm sóc y tế mỗi năm.
Tác hại của tia cực tím đối với con người còn gây ra các tổn thương về mắt khác như pterygium (mộng thịt), ung thư da quanh mí mắt, thoái hóa điểm vàng. Tất cả các vấn đề này đều được giải quyết nếu sử dụng các biện pháp chống tia cực tím thích hợp cho mắt.
- Suy giảm hệ miễn dịch
Các nhà khoa học đã phát hiện, việc tiếp xúc quá nhiều với tia UV có thể ngăn chặn hoạt động có lợi của hệ thống miễn dịch cơ thể và ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ tự nhiên của da. Da sẽ kích hoạt hệ thống phòng vệ chống lại những tác nhân gây hại từ bên ngoài như ung thư, nhiễm trùng. Tuy nhiên, nếu bạn phơi nhiễm quá mức với tia cực tím, hệ miễn dịch có thể bị suy yếu, làm giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những “kẻ thù” từ bên ngoài.
Biện pháp phòng chống tia UV
Với những phân tích trên, rõ ràng tác hại của tia cực tím đối với con người là vô cùng nguy hiểm. Do đó, sử dụng các biện pháp chống tia cực tím là điều hiển nhiên giúp bảo vệ da và sức khỏe một cách an toàn nhất.
Chống tia cực tím không chỉ đơn thuần là chống nắng hàng ngày. Trong ánh nắng mặt trời, chỉ có 10% là tia cực tím. Vào những ngày mưa hoặc nhiều mây, tia cực tím vẫn hoạt động âm thầm (UVA). Gây ra các tổn thương da đáng kể trong một thời gian dài. Vì vậy, lựa chọn một biện pháp chống tia UV có thể sử dụng đơn giản, hiệu quả mọi lúc mọi nơi là yêu cầu hàng đầu của người sử dụng.
- Biện pháp phòng chống đầu tiên bạn có thể nghĩ đến đó là sử dụng kem chống nắng. Đây là cách phổ biến nhất và cũng mang lại hiệu quả tốt nhất. Chọn cho mình sản phẩm kem chống nắng phù hợp thì bạn cũng nên quan tâm đến các chỉ số chống nắng như SPF và PA. SPF là chỉ số chống tia UVB, chỉ số càng cao thì khả năng chống tia UVB càng mạnh mẽ. PA là chỉ số cho biết khả năng chống nắng.
- Biện pháp thứ hai đó là chú ý trang phục khi ra ngoài. Sử dụng các trang phục chống nắng chuyên dụng như áo, váy chống nắng, ô chống UV, kính râm để ngăn ngừa các bệnh lý về mắt.
- Thứ ba, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào các giờ cao điểm (11h đến 14h). Hạn chế các nguồn bức xạ nhân tạo (ánh sáng từ màn hình máy tính, điện thoại), sử dụng các tấm phim cách nhiệt cho cửa kính trong phòng hoặc trong ô tô,…
- Ngoài ra bạn cần lưu ý về chế độ ăn uống. Bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý, lưu ý bổ sung các chất chống oxy hóa có trong thực phẩm (cam quýt, trà xanh, cà rốt, và ớt chuông đỏ,…) để tăng khả năng bảo vệ của cơ thể trước tia UV.
- Cuối cùng là sử dụng công cụ chống nắng cơ học. Ðể phòng tránh tác hại do nắng nóng kéo dài, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối mầu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt. Thêm vào đó, khi đi ra đường cần có ô dù hoặc nón để che phần đầu,…
Trên đây là một số thông tin về tia UV, tác hại và biện pháp phòng tránh của tia UV, bạn có thể tham khảo và áp dụng cho tình trạng thời tiết nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè năm nay.
Tình trạng tia cực tím tăng mạnh gây hại đến sức khỏe của con người